

Ở Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới, một nhãn hiệu có thể xin đăng ký bảo hộ ở dạng:
- Đen – trắng
- Màu
- Cả đen – trắng lẫn màu sắc
Vậy một nhãn hiệu đen – trắng hoặc trong dạng màu, nhãn hiệu nào được bảo hộ mạnh hơn ?
Mối quan hệ giữa một nhãn hiệu đen – trắng với cùng nhãn hiệu đó nhưng được thể hiện ở dạng màu sắc là như thế nào ?
Thông qua quy định luật pháp và thực tiễn áp dụng có thể phân ra hai cách tiếp cận chính của các nước trong việc bảo hộ nhãn hiệu đen – trắng và nhãn hiệu màu. Việc phân tích dựa trên thực tiễn áp dụng của người thi hành pháp luật và có thể phân ra hai cách tiếp cận chính như sau:
- Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu phụ thuộc vào nội dung đăng ký nhãn hiệu trong tờ khai nộp đơn. Mẫu nhãn hiệu đã kê khai trong tờ khai như thế nào sẽ được bảo hộ đúng như vậy. Theo cách hiểu này, chủ một nhãn hiệu đen – trắng không thể tự ý sử dụng nhãn hiệu đó dưới các dạng màu tùy ý.
- Một nhãn hiệu đăng ký được ở dạng đen – trắng thì có nghĩa nội dung (ý nghĩa) của nó đã được bảo hộ, vì vậy nhãn hiệu có thể được sử dụng ở các màu khác với màu đen – trắng miễn là nội dung và cách thức thể hiện của nó vẫn được giữ nguyên còn màu sắc sử dụng không phải là thành phần phân biệt của nhãn hiệu. Nếu màu sắc lại là thành phần tự thân đóng góp vào tính phân biệt của nhãn hiệu thì nhất thiết nhãn hiệu phải được đăng ký ở dạng màu sắc để đạt đươc sự bảo hộ hiệu quả nhất. Theo đánh giá thì cách tiếp cận này vận dụng linh hoạt hơn cách thứ nhất.

Một nhãn hiệu được đăng ký ở dạng màu sắc nói chung được bảo hộ cao hơn so với cùng nhãn hiệu được bảo hộ dưới dạng đen – trắng. Bởi ngoài việc được bảo hộ về mặt nội dung như một nhãn hiệu đen – trắng, nhãn hiệu màu sắc còn được bảo hộ cả màu hoặc kết hợp màu, giúp bảo vệ nhãn hiệu chống lại cả các hành vi xâm phạm bằng cách sử dụng kết hợp màu sắc tương tự gây nhầm lẫn. Tuy nhiên nhãn hiệu đen-trắng cũng có ưu thế giúp chủ nhãn hiệu có thể linh hoạt sử dụng nhãn hiệu theo các phương án khác nhau phù hợp với các điều kiện thực tế.
Về sự liên quan về pháp lý giữa một nhãn hiệu đen – trắng và cùng nhãn hiệu đó ở dạng màu sắc có thể đánh giá dưới các phương diện sau:
- Quyền ưu tiên: Một nhãn hiệu đen trắng có trước không thể làm cơ sở để xin quyền ưu tiên cho việc nộp đơn cho cùng nhãn hiệu nhưng ở dạng màu vì cơ sở để xin quyền ưu tiên là phải dựa trên cùng một nhãn hiệu (nghĩa là 2 nhãn hiệu phải trùng nhau) nên trong trường hợp này do 2 nhãn hiệu khác nhau về màu sắc nên không được coi là cùng một nhãn hiệu. Tuy nhiên, nếu sự khác biệt qúa nhỏ, người tiêu dùng khó phân biệt thì vẫn có thể được chấp nhận.
- Làm cơ sở để từ chối một nhãn hiệu đăng ký sau: Một nhãn hiệu đen trắng có trước không thể lấy làm đối chứng để từ chối cùng nhãn hiệu của cùng chủ nhưng trình bày khác màu sắc vì 2 nhãn hiệu có cách trình bày khác nhau nên không thể coi là trùng để từ chối nhãn hiệu nộp đơn sau. Tuy nhiên, nếu sự khác biệt quá nhỏ, người tiêu dùng bình thường không nhận biết được thì có thể chấp nhận.
- Làm chứng cứ cho việc sử dụng: Việc sử dụng phiên bản màu của một nhãn hiệu đen-trắng đã đăng ký có được coi là nhãn hiệu đen-trắng đó đã được sử dụng hay không sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Sự sử dụng màu cho một nhãn hiệu đen-trắng đã đăng ký sẽ không bị coi là làm thay đổi nhãn hiệu đó nếu: các thành phần chữ/hình vẫn được giữ nguyên và là các thành phần chính; tương phản tối sáng được giữ nguyên; màu sắc không mang tính phân biệt tự thân và không phải là một đặc điểm phân biệt của nhãn hiệu.
Quy định về bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam cũng như các văn bản hướng dẫn cũng không có các quy định cụ thể về phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen – trắng và nhãn hiệu màu, cũng như tương quan giữa một nhãn hiệu đen – trắng và chính nhãn hiệu đó được thể hiện trong dạng màu.
Tuy nhiên, thực tiễn bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam cho phép một nhãn hiệu đăng ký ở dạng đen – trắng có thể được sử dụng ở các dạng màu sắc khác nhau, miễn là vẫn giữ nguyên được các nội dung chữ/hình của nhãn hiệu và không xâm phạm quyền đối với một nhãn hiệu đen-trắng hoặc màu của người khác đã được đăng ký.

Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các văn ban dưới luật chưa có những quy định cụ thể trong việc xác định phạm vi bảo hộ cũng như quyền sử dụng liên quan đến nhãn hiệu đen – trắng và nhãn hiệu màu. Điều đó gây khó khăn cho các chủ thể quyền của nhãn hiệu cũng như những bên liên quan trong việc áp dụng luật. Do đó, trong nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn kèm theo trong thời gian tới, cần thiết phải đưa vào những quy định cụ thể về phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen – trắng và nhãn hiệu màu theo cách tiếp cận linh hoạt như đã nêu trên.